Theo tôi, trong quá trình quy hoạch chỉnh trang bộ mặt đô thị, tất nhiên không thể bỏ qua việc phải thay thế cây xanh. Đó không hẳn là những cây bị sâu, mục, già, chết mà có cả những cây phá hỏng hạ tầng như vỉa hè, móng nhà gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, cách làm thay thế triệt để, đồng loạt như Hà Nội làm là rất thiếu cơ sở khoa học, không tính đến giải pháp tối ưu, người dân không đồng tình cũng là điều dễ hiểu.
Người ta cho rằng, cây xà cừ, sấu, hoa sữa… không phải là cây đô thị nên phải loại bỏ, anh có đồng tình?
Thật kỳ lạ, tại sao lại “vu” cho những loài cây đó không phải là cây đô thị để chặt bỏ? Đó là một điểm rất mù mờ của đề án này. Phải có những nghiên cứu rất cụ thể về thổ nhưỡng, khí hậu và sắc thái đô thị để đi đến một quyết định loại bỏ.
Cây xà cừ đâu phải là cây xấu về mặt thẩm mỹ? Nó đã sống với Hà Nội hàng trăm năm nay, làm nên sắc xanh và thần thái cho nhiều đường phố của Thủ đô. Nếu không phải cây đô thị thì tại sao khi hoàn thành tuyến đường mới Phạm Hùng và Phạm Văn Đồng nối lên cầu Thăng Long, người ta lại còn trồng mới cây xà cừ ở đó?
Kể cả có phải thay thế cây thì chúng ta chỉ được phép thay những cây nào thực sự nguy hiểm chứ không thể mang cưa đến xử hàng loạt cây như thế. Đó là một hình ảnh quá phản cảm.
Ở nước ngoài, các nhà quy hoạch đô thị xử lý những trường hợp này như thế nào?
Đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài cho biết, với họ, vấn đề khó khăn nhất khi quy hoạch hoặc thiết kế một công trình mới chính là xử lý vấn đề cây xanh. Để chặt hoặc di dời một thân cây, họ sẽ phải xin phép người dân, chính quyền sở tại. Nếu người dân đồng ý mới được làm, còn không, họ sẽ phải tìm cách bảo tồn thân cây đó.
Không có ở đâu dễ như ở Việt Nam, cứ thích là chặt, chặt hàng loạt để cho thoáng, để “khoe” được độ hoành tráng của công trình. Theo tôi đó là một tư duy trọc phú và vô cảm với thiên nhiên.
Với các cây nguy hiểm, có nhiều cách xử lý để bảo tồn chứ không phải đem chặt đi là xong. Người ta phải tìm cách chống đỡ, hạn chế bộ rễ cây, khoanh vùng hoặc đeo biển cho cây để cảnh báo nguy hiểm, yêu cầu người dân không lại gần chứ không phải mang cưa đến xoẹt đi là xong.
Theo ông Linh, với các cây nguy hiểm, có nhiều cách xử lý để bảo tồn chứ không phải đem chặt đi là xong (Ảnh: Hồng Phú)
Được biết trong đề án của Sở Xây dựng trong việc thay thế 6.700 cây xanh này, yếu tố bảo tồn rất mờ nhạt, ông có thấy vậy?Đúng thế. Tôi đã xem đề án này và rất ngạc nhiên khi thấy yếu tố bảo tồn cây xanh hoàn toàn không được coi trọng mà chỉ thấy họ nhấn mạnh đến việc chặt bỏ, thay thế cây cũ bằng cây mới. Đề án này kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm, vậy thì đâu có cấp tập đến mức phải mang cưa đến cưa đồng loạt cây như vậy?
Chỉ từ đầu tháng 3 đến giờ, đã có 500 cây bị hạ xuống, việc chặt rất nhanh. Tại sao không có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích xem có thể cứu cái cây này bằng cách nào, tìm ra giải pháp tối ưu, nếu không thể thì mới thực hiện phương án cuối cùng là chặt bỏ nó?
Nhiều người đã lên tiếng phản đối đề án này như nhà báo Trần Đăng Tuấn, GS Ngô Bảo Châu vì họ không đồng tình với cách làm của TP Hà Nội. Dưới con mắt của một người làm kiến trúc, ông có ý kiến gì?
Theo tôi, gần đây việc điều tra, đánh số, đưa vào hồ sơ hệ thống cây xanh đường phố của Hà Nội rất đáng ghi nhận, bước đầu có bài bản khoa học. Đó là một tín hiệu đáng mừng nhưng quy hoạch cây xanh và quản lý đô thị Hà Nội so với các thành phố lớn khác như TP. HCM hay Đà Nẵng là không bằng.
Tất cả những cây xanh trong nội thành chúng ta có được đều thừa hưởng của người Pháp. Việc quy hoạch cây xanh nếu mới nhen nhóm có được cũng chỉ là ở một số khu đô thị mới. Đến bây giờ, có vẻ Hà Nội muốn làm quyết liệt vấn đề quy hoạch cây xanh nhưng làm như thế này lại là quá đà. Chắc chắn việc chặt nhanh, chặt đồng loạt, triệt để thế này sẽ có nhiều hậu quả đến môi trường và cảnh quan đô thị.
Tôi thấy rất khó hiểu, hàng loạt những con đường phải đầu hàng các hộ dân chây ì, chính quyền không thể giải tỏa và bó tay chịu thua. Thế nhưng họ lại sẵn sàng vác cưa đến cưa cây hàng loạt vì cây là vật vô tri vô giác. Đó là sự độc ác và vô cảm với thiên nhiên. Bởi vậy với những đề án ảnh hưởng lớn đến đô thị thì phải làm rất bài bản, trên cơ sở khoa học và tôn trọng người dân chứ không thể làm cấp bách như thế này.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc