Long đong số phận dự án Ngôi nhà Việt tại Đức: Bộ Tài chính nói gì?

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về phương án xử lý dự án Ngôi nhà Việt (Viethaus) tại Berlin – Cộng hòa Liên bang Đức của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Dự án Viethaus tại đường Leipziger, quận Mitte, trung tâm TP. Berlin
Theo Bộ Tài chính, dự án Viethaus là dự án đầu tư ra nước ngoài của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cáp giấy phép đầu tư ra nước ngoài.

Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 9,4 triệu Euro, trong đó vốn góp của các nhà đầu tư là hơn 2,6 triệu Euro (SASCO góp 763.285 Euro, chiếm 29% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần Dịch vụ Viễn thông Toàn Cầu góp 1.868.732 Euro, chiếm 71% vốn điều lệ); vốn vay là hơn 6,7 triệu Euro.

Căn cứ các quy định tại khoản 1.a, 1.đ, Điều 49 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; khoản 2.d, Điều 135 và khoản 2.e Điều 149 Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng việc xem xét, quyết định tiếp tục thực hiện hay chấm dứt thực hiện dự án Viethaus thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Đại hội đồng cổ đông/HĐQT của SASCO hoặc theo phân cấp được quy định tại điều lệ của SASCO.

“Tuy nhiên, dự án Viethaus là dự án đầu tư ra nước ngoài nên SASCO phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật về đầu tư ra nước ngoài”, văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng do ACV năm giữ 51% vốn điều lệ tại SASCO, trường hợp người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV phải báo cáo, xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ Giao thông vận tải) theo quy định của điều lệ ACV để làm cơ sở cho người đại diện phần vốn của ACV tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của HĐQT SASCO thì Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xem xét, quyết định đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, bảo toàn giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, tránh thất thoát vốn tài sản của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trước đó, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, tính đến cuối năm 2015, lỗ lũy kế của Viethaus lên tới 13,4 triệu Euro; các mục tiêu kinh tế chưa đạt được. Do đó, ACV khó có khả năng thu hồi vốn đã đầu tư và các khoản nợ lên đến 9,6 triệu Euro (tương đương 62 tỷ đồng).

“Trách nhiệm thuộc về SASCO trong việc góp vốn đầu tư không hiệu quả và có nguy cơ mất vốn”, kết luận thanh tra viết.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết về dự án này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đánh giá lại hiệu quả dự án, đề xuất phương án xử lý và báo cáo Thủ tướng trong tháng 1/2018.

Dự án Viethaus có vị trí tại đường Leipziger, quận Mitte, trung tâm thành phố Berlin, diện tích mặt bằng khoảng 5.000m2. Dự án được lập ra nhằm xây dựng một trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch của Việt Nam tại Berlin. Ðây cũng là dự án đầu tư đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài theo kiểu mô hình này.

Vào năm 2016, trong nỗ lực tái cơ cấu dự án, ACV đã đồng ý để Công ty Cổ phần Vận tải hàng không Việt Nam (SATSCO) thành lập công ty con tại Đức do SATSCO nắm 100% vốn để hợp tác với SASCO tiếp quản, đầu tư khai thác tòa nhà Viethaus.

Tuy nhiên, sau 2 năm tiếp quản, SATSCO cũng bị sa lầy tại Viethaus với những khó khăn giống hệt như SASCO đã vấp phải khi không có hướng xử lý dứt điểm khiến kết quả kinh doanh không bù đắp nổi chi phí mặt bằng quá cao.

“Hiện SATSCO đang thương lượng để chấm dứt thỏa thuận hợp tác với SASCO đối với dự án Viethaus”, thông tin từ ACV cho biết.


Nguồn tin: vietnamfinance