.
Nghi ngờ bảo vệ chợ là tay trong
Được biết, hiện bà đang phối hợp với cơ quan điều tra để tìm ra nguyên nhân vụ cháy hơn 4.000m2 khu chợ người Việt. Bà có nghi ngờ đó là một vụ đốt chợ có chủ đích hay không?
-Không còn nghi ngờ gì nữa, Viện Kiểm soát thành phố Kazan ngày 17.10 đã ra kết luận đó là một vụ đốt chợ, chủ đích phá hoại tài sản. Hiện cơ quan điều tra thành phố đã lập án và mở cuộc điều tra hình sự, truy tìm kẻ đã đốt chợ Vitarus.
Tôi không dám nghi ngờ cho ai, việc xác định thủ phạm sẽ có cơ quan điều tra Tatarskan tiến hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vụ đốt phá này không phải là do một cá nhân, mà đứng sau đó là một tổ chức. Người trực tiếp đốt chợ chỉ là người làm thuê.
Bà nhận được tin cháy chợ ở thời điểm nào?
-Vụ cháy chợ xảy ra vào chiều ngày thứ Hai (13.10), đó là ngày nghỉ của chợ. Tôi có một quy định khá nghiêm ngặt, trong ngày đó, không ai được phép ra vào chợ, kể cả là việc kiểm hàng, hay dọn kho. Tuy chợ không hoạt động, nhưng vẫn có bảo vệ canh gác đầy đủ và hệ thống đèn chiếu sáng, an ninh, 40 camera trong chợ hoạt động 24/24.
Trước đó một hôm, một trung tâm thương mại khác trong thành phố cũng bị cháy. Đến chiều 13.10, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow điện hỏi thăm có phải khu chợ vừa bị đốt là của tôi không. Lúc đó tôi đã nói, ơn trời, đó không phải là chợ Bà Côi.
Tuy nhiên, hơn 2 giờ sau đó thì chính khu chợ của tôi bốc cháy. Trước khi xảy ra cháy, tôi có gọi điện cho bảo vệ chợ, hỏi tình hình, người này vẫn nói không có vấn đề gì. Tuy nhiên, 2 giờ sau, thì chính người này gọi cho tôi thông báo, chợ bị cháy.
Bà có nghi ngờ gì không?
-Lúc đó tôi rất bàng hoàng, không tin rằng đó là sự cố, vì tôi vừa đầu tư nâng cấp hệ thống báo cháy 7 triệu rúp. Sau này, khi xem lại camera, tôi mới biết rằng, kẻ ác đã hiên ngang đi lại trong chợ, tiến hàng đốt chợ một cách trắng trợn và sau khi xong việc, người này đi thẳng ra bằng lối cửa chính, có bảo vệ đứng gác. Khi kẻ đốt chợ đi xong, camera trong và ngoài chợ còn quay được hình ảnh bảo vệ chợ đi ra nhìn theo về hướng chiếc xe đang chờ sẵn. Cơ quan điều tra cũng cho biết, hệ thống chữa cháy tự động đã bị ngắt vài giờ trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra. Hệ thống đã bị khởi động lại và tự ngừng hoạt động.
Tôi đã hoàn tất văn bản để kiện nhân viên bảo vệ chợ, những bằng chứng và tài liệu này tôi cũng đã gửi sang bên cơ quan điều tra. Cả khu chợ có 7 nhân viên bảo vệ, hiện tôi đã sa thải họ và thay thế người mới.
114 tiểu thương Việt trắng tay
Trước khi vụ cháy xảy ra, bà với tư cách là chủ nhân của khu chợ người Việt này, có bị đe dọa gì không?
-Đe dọa thì không, nhưng tôi có nhận được những cảnh báo rằng có một tổ chức nào đó sẽ làm cho chợ xấu đi. Tôi không nghĩ rằng, họ lại đốt chợ. Đó là sự cạnh tranh làm ăn vô cùng độc ác, gây thiệt hại cho cá nhân tôi và hàng trăm người khác. Chợ Vitarus, hay còn được người Việt Nam và người bản địa gọi là “chợ Bà Côi”, không chỉ quy tụ công dân Việt Nam làm ăn buôn bán, mà đó còn là nơi kiếm sống của người dân đến từ 18 quốc gia khác.
Vụ cháy được báo chí địa phương miêu tả đã làm chấn động thành phố Kazan. Thiệt hại mà bà và các tiểu thương, trong đó có rất nhiều người Việt phải hứng chịu như thế nào?
-Khu chợ của tôi có 7 gian hàng, với 1.030 quầy hàng. Có 3 gian hàng bị đốt cháy, còn những gian hàng còn lại đang trong quá trình sửa chữa nên ít quầy hàng hoạt động. Vụ cháy đã thiêu hủy 996 quầy hàng, 95% hàng hóa trong quầy và trong kho đều bị thiêu rụi. Có nhiều nhà mất cả hàng, cả tiền trong quầy, cho nên thiệt hại đối với cộng đồng đi chợ, cộng đồng người Việt Nam là rất lớn.
Trong số các tiểu thương bị mất mát tài sản có 184 người Nga, 140 người Tajikistan và 114 người Việt Nam. Tổng cộng khoảng 800 người bị mất việc làm do vụ cháy.
Tôi không có hàng hóa, nên không bị mất tiền hàng. Tuy nhiên, thiệt hại tài chính đối với Công ty Vitarus của tôi là rất lớn. Cháy chợ, mỗi ngày chúng tôi thất thu tiền thu nhập, không có tiền để trả tiền thuê cho chủ sở hữu mảnh đất này. Chợ Vitarus là chúng tôi đi thuê lại, sau đó xây dựng các gian hàng, quầy hàng cho các tiểu thương thuê lại. Ông chủ của khối bất động sản này đã thống kê thiệt hại của vụ cháy gây ra cho ông ấy là 134 triệu rúp. Tôi bị thiệt hại về trang thiết bị quầy hàng lên đến 150 triệu rúp. Đó là chưa kể đến các khoản tiền đã thu từ các tiểu thương, nếu chợ không tiếp tục hoạt động, chúng tôi phải hoàn trả lại cho họ.
Số phận của 114 tiểu thương Việt sẽ ra sao khi chợ cháy và khả năng hoạt động trở lại đang rất xa vời, thưa bà?
-Tôi đang chờ sự chấp thuận của chính quyền thành phố, cho phép chúng tôi tiếp tục hoạt động chợ Vitarus. Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi sẽ sử dụng 3 gian hàng còn lại với khoảng 250 quầy hàng. Những người nào có nguyện vọng ở lại chợ Vitarus chúng tôi sẽ nhận đơn và tất nhiên là ưu tiên hàng đầu dành cho các tiểu thương người Việt.
Xin cảm ơn bà!
thành phố, liên bang, hành động, thủ phạm, tiến hành, như thế, cạnh tranh, làm ăn, thiệt hại, giấc mơ, đào thị, cho biết, trả lời, phỏng vấn
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc