.
Ngày 18/5, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer đã lên tiếng chỉ trích Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel, người là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang, vì đã yêu cầu Thủ tướng Merkel cung cấp cho Ủy ban Điều tra NSA thuộc Quốc hội Đức danh sách các từ khóa tìm kiếm được NSA nhờ BND hỗ trợ theo dõi.
Phát biểu tại hội nghị của Ban Chấp hành đảng CSU ở München, ông Seehofer cho rằng yêu cầu của lãnh đạo SPD là "không thể chấp nhận" trong một liên minh cầm quyền và "không phù hợp với trách nhiệm với nhà nước của một đảng trong chính phủ."
Trước đó, ông Gabriel đã gọi vụ việc liên quan tới BND là một vụ "bê bối nhà nước" nếu những nghi ngờ về việc do thám các công ty Đức không được làm sáng tỏ, đồng thời đề nghị bà Merkel làm rõ vụ việc cũng như công bố danh sách mật các chủ thể bị NSA theo dõi, dù điều đó bị Mỹ phản đối.
Tổng Thư ký SPD Yasmin Fahimi cũng yêu cầu công bố danh sách này, cho rằng "một thủ tướng của Đức không phải khúm núm trước Mỹ." Các yêu cầu này của ban lãnh đạo SPD cũng nhận được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder.
Tuy nhiên, theo ông Seehorfer, việc công bố một danh sách như vậy phải chờ Chính phủ liên bang tham vấn với phía Mỹ theo đúng thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch CDU Armin Laschet cũng gián tiếp chỉ trích SPD, cho rằng việc phơi bày hợp tác tình báo giữa BND với NSA là "vô trách nhiệm," có thể làm tổn hại tới sự hợp tác nói chung và hợp tác tình báo nói riêng với Mỹ, cũng như gây hại cho an ninh ở Đức, đặc biệt trong bối cảnh mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế lớn hơn bao giờ hết như hiện nay.
Bà Julia Klöckner, Phó Chủ tịch CDU thậm chí cho rằng SPD muốn tìm cớ để lấp liếm những kết quả yếu kém trong các cuộc thăm dò dư luận về mức độ tín nhiệm, hoặc muốn trở thành phe đối lập trong liên minh cầm quyền.
Chủ tịch nhóm nghị sỹ liên đảng CDU/CSU trong Quốc hội Volker Kauder cũng chỉ trích những ngôn từ gay gắt từ phía SPD, điều có nguy cơ gây căng thẳng cho quan hệ liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức.
Trong khi đó, các đảng đối lập (đảng Cánh tả và đảng Xanh) cũng gây sức ép yêu cầu Thủ tướng Merkel nhanh chóng làm sáng tỏ các cáo buộc đối với cơ quan tình báo nước ngoài của Đức, cảnh báo rằng việc bà Merkel tiếp tục im lặng có thể làm xói mòn niềm tin căn bản của người dân vào hệ thống dân chủ của Đức.
Giới phân tích cho rằng hiện Thủ tướng Merkel đang phải đứng trước tình thế rất khó xử, bởi Mỹ sẽ không bao giờ đồng ý để Đức công bố danh sách theo dõi của họ. Tuy nhiên, nếu tiếp tục im lặng thì hòa khí trong liên minh cầm quyền sẽ không được đảm bảo.
Việc làm Mỹ phật ý sẽ gây bất lợi cho Đức, bởi không có sự chia sẻ nguồn tin tình báo của Mỹ, Đức sẽ khó có thể đảm bảo được các nhiệm vụ an ninh và tình báo của mình, đặc biệt trong việc chống lại các mối đe dọa khủng bố./.
liên quan, tình báo, liên bang, căng thẳng, liên minh, cầm quyền, bảo thủ, cơ đốc giáo, dân chủ, xã hội
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc